Bí mật của "Thần giữ của" bạn nên biết
Thần giữ của ở núi Bạch Tuyết
Nằm ngay cạnh đại lộ Thăng Long, thuộc xã Vân Côn, huyện Hoài Đức (tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội), ngọn núi thiêng có tên Bạch Tuyết trong nhiều năm đã lưu truyền về một kho báu với vô số ngọc ngà, vàng bạc. Đây là một quả núi thấp với vỏn vẹn 4 hòn đá. Trên từng tảng đá, có nhiều cây to vươn cao và thẳng, đã tạo nên sự khác biệt với những ngọn núi ở xung quanh. Núi còn có tên khác là núi Cô Tiên.
Núi Bạch Tuyết ở xã Vân Côn, Hoài Đức, Hà Nội với lời đồn là nơi có một kho báu nhưng không thể động tới.
Các cụ già trong làng kể: Ngày xưa, để giữ lại kho báu cho con cháu mình, người Tàu đã tìm mua người con gái còn băng trinh chôn cùng làm thần giữ của. Người con gái ấy tên là Bạch Tuyết nên núi mới có cái tên như vậy. Về sau, núi trở thành núi thiêng, với những câu chuyện liên quan về thần cho của và sự trừng phạt những người dám đến xâm phạm.
Có một điều lạ khác là nhiều hôm cứ đến 4h chiều, ở núi Bạch Tuyết lại bốc ra mùi như nước mắm nồng nặc, khó chịu. Bởi thế, người dân ai cũng sợ, không dám xâm phạm. Điều này khiến ngọn núi lại được bao bọc thêm một lớp màn huyền bí.
Lời đồn về của cải chôn trong núi đã dẫn đến hàng loạt những đạo chích tìm đến. ông Nguyễn Tài Hận, một đại gia có máu mặt một thời đã thuê cả một đội quân đến khai quật núi nhằm "giải thiêng". Sau nhiều ngày đào bới, đoàn đã khám phá ra hai hàng đá được xếp song song với khoảng 40 - 50 khối đá.
Tiếp đó là một con rùa và nhiều mô đất bí ẩn xung quanh. Có nhiều tảng đá chắn ngang. Khi đá được phá ra, một khoảng không xuất hiện với rất nhiều hình hài lạ. Rọi đèn pin xuống thì không thấy đáy. Đúng lúc có nhiều tiếng động lạ, sợ núi sập nên mọi người đành dừng lại. Cuộc khai quật những ngày sau đó cũng không đem lại kết quả gì khả quan.
Ngay sau khi đội khai quật kết thúc việc tìm kiếm kho báu, nhiều người trong số họ mắc những căn bệnh lạ, cuộc sống gia đình trở nên lục đục. Về sau, gia đình họ đem lễ lên núi cúng bái thì bệnh tật mới xuôi (?)
Về phần ông Hận, cuộc khai quật đã ngốn của ông một số tiền không nhỏ, không những thế, về sau công việc làm ăn cũng không được thuận lợi. Gia sản của ông cũng dần tứ tán hết.
Xung quanh núi Bạch Tuyết còn nhiều truyền thuyết khác nhau nhuốm màu huyền bí. Theo ông Nguyễn Sỹ Tiến, cán bộ văn hóa xã cho biết, những lời đồn là không có căn cứ. Tuy vậy, nó lại thuộc về tín ngưỡng của người dân.
Thần giữ của tại thôn Miếu Lạc
Tại thôn Miếu Lạc, xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách, Hải Dương, người dân vẫn còn lưu truyền câu chuyện về thần giữ của ngay trên nền đất nhà một cán bộ xã. Trước đó, gia đình vị cán bộ này ở sâu trong làng, đến khi di chuyển ra ngôi nhà mới thì ban đêm bà vợ thường mơ thấy có người con gái hiện lên như có điều gì ẩn ức. Bà bảo có lần người con gái đã viết tên mình là Hoa.
Sau đó bà có đi xem thầy và về lập cây hương để thờ. Kỳ lạ, từ khi lập cây hương, bà cứ như người lẩn thẩn, thỉnh thoảng hay lảm nhảm, rồi đột nhiên lại có khả năng xem bói và cúng lễ cho những người khác. Gia đình nghi ngờ tưởng bà có vấn đề tâm thần, nhiều lần đưa bà đi chạy chữa nhưng đều không có tác dụng. Về sau con cháu mới tìm đến một thầy phong thủy có tiếng đến xem lại gia trạch. Thầy phong thủy xem xong, thấy trong nhà có vật linh thiêng.
Sau nhiều lần đắn đo cân nhắc, con cháu trong nhà đều nhất trí để đào nền nhà lên xem xét. Khi đào sâu được khoảng một mét rưỡi thì lộ ra một quan tài rất đẹp, gỗ còn tốt. Anh con rể của gia đình hăng hái nhảy xuống hố bới, lộ rõ 2 chiếc quan tài nằm bắt chéo nhau chữ X, cái trên nằm theo chiều Tây ghé Nam 15 độ - Đông Bắc ghé 15 độ. Tự nhiên anh con rể ú ớ co giật liên tục, mọi người trong nhà phải vội vàng bế lên. ông cán bộ xã thì đột nhiên đau bụng lăn lộn. Cả nhà vội vã cùng nhau đi bệnh viện. Đi được 500 mét thì ông lại bình thường.
Từ đó trong nhà không ai còn dám động chạm đến 2 chiếc quan tài này nữa. Chuyện diễn ra vào đầu những năm 2000, cho tới nay người dân Đồng Lạc vẫn còn nhắc tới như một điều linh thiêng, cấm kỵ. Cuộc sống bình thường cũng đã quay trở lại với gia đình vị cán bộ xã nọ. Nhưng câu chuyện này cũng ít nhiều nói lên những nghi vấn về thần giữ của. Câu chuyện trên vẫn chỉ là lời kể, mang tính truyền thuyết nhiều hơn. Thật ra đến giờ vẫn chưa được ai kiểm chứng...
Chùa Ón ở Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội với lời nguyền độc khiến người dân tiếc nuối bởi kho báu bị mang đi sau khi lập đàn tràng cúng tế.
Chùa Ón và lời nguyền độc?
Cách trung tâm Hà Nội chừng 60km, làng cổ Đường Lâm - Sơn Tây hiện vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích của văn hóa làng Việt cổ. Để đi vào làng phải đi qua một ngôi chùa nhỏ là chùa Ón hay còn gọi là chùa ón Vật. Chùa không có sư trụ trì, bên trong chỉ có mộ bát hương để trên bệ gạch hoang tàn lạnh lẽo quanh năm. Chùa cũng không có tượng pháp, không hoành phi câu đối, ngoài dăm ba câu đối chữ nho đề năm tháng xây dựng cũng chung chung không thể xác định được niên đại.
Chùa Ón vốn là nơi người Tàu để của (?). Khi về nước, người Tàu không thể mang hết được của cải về mới dựng nên chùa và để lại lời nguyền phải giết đủ 99 đàn bà chửa làm lễ vật thì sẽ lấy được vàng bạc châu báu. Vì lời nguyền quá độc nên dân làng không ai dám làm điều thất đức đó. Tuy vậy, niềm hoài nghi vẫn còn.
Đến một năm, có đoàn người ở nước láng giềng về thăm làng, ăn ở và nghỉ lại đó. Được mấy ngày, họ kéo nhau ra chùa Ón và lập một đàn tế. Đàn tràng được che bằng tấm dù ngũ sắc, dựng trên 7 cái cột sơn màu sắc khác nhau. Nửa đêm tế mà dân làng không biết.
Sáng hôm sau khi dân làng đi làm đồng qua chùa ón thì chỉ còn lại những vết tích của đàn tràng. Đất trước sân chùa bị đào bới lung tung. Trên chiếc bàn gỗ nhỏ gần đấy có chiếc đĩa sứ Giang Tây màu lam ngọ. Trên đĩa có 99 cái đòng đòng lúa, lúc bấy giờ người trong làng mới vỡ ra đầy tiếc nuối... Thực hư câu chuyện này vẫn chỉ là lời đồn, dân làng chẳng ai dám quả quyết là nhìn thấy...
Phép thuật lập thần giữ của
Khi tìm hiểu sâu về vấn đề này, chúng tôi may mắn có được sự giúp đỡ của các nhà nghiên cứu về dân gian, dân tộc học, lịch sử, khảo cổ và có được những tư liệu quý giá. May mắn hơn nữa khi đồng thời chúng tôi có được sự hợp tác của anh N.V.T - một người có dòng dõi 7 đời làm thầy phù thủy ở làng Me, Bắc Ninh. Anh T tuy hiện giờ không theo nghiệp gia đình, chuyển sang làm nghề thủ công mỹ nghệ ở một làng ven Hà Nội, nhưng đã cung cấp những tư liệu thực tiễn khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên.
Theo anh T, bên cạnh những vấn đề về phép thuật mà bản thân anh cũng không giải thích được thì còn có những điều hoàn toàn dựa trên các quy luật, nguyên tắc của khoa học. Để thực hiện thành công một ca thần giữ của phải dựa trên nhiều yếu tố khác nhau.
Từ việc lựa chọn thầy phù thủy, chọn ngày giờ, chọn địa trạch cho tới các phương thức trấn yểm bùa chú đều phải dựa trên sự tuần hoàn của thiên nhiên, sự tương tác giữa người và vật... Trên những quy luật của âm dương, bát quái, dịch, lễ mà người ta mới lập nên thần và lời nguyền, việc hóa giải cũng dựa trên đó mà theo.
Cho tới nay, tuy nhiều đời đã trôi qua, nhưng những kho báu nằm sâu trong lòng đất thì vẫn còn là dấu hỏi. Một số đã được hóa giải bằng chính con cháu của những người chôn cất, một số khác được biết đến do những sự vô tình khác nhau. Chỉ cần tính toán chậm một nước ở cả khâu lập kho báu lẫn khâu xin kho báu về thì tỷ lệ thành công đã bị dịch chuyển lớn. Chỉ khi nào lời nguyền và lời giải hoàn toàn khớp nhau thì kho báu mới được giải phóng hoàn toàn và trọn vẹn (!?).
Không có một quy tắc, một lời nguyền cũng như lời hóa giải chung nào, ở mỗi vùng miền, mỗi thầy phù thủy lại có một phương thức lập thần giữ của khác nhau. Sự khác biệt này đồng thời cũng tạo nên thuận lợi trong việc bảo mật cho kho báu. Nhưng tựu chung vẫn phải trải qua lần lượt những bước nhất định: Chọn đất, chọn thời điểm, chọn người, chọn bùa chú,...
Những bí ẩn về quy luật cũng như các bước lập thần giữ của sẽ được chúng tôi làm rõ trong phần sau. Còn những câu chuyện kể trên trong báo xin được nhắc lại: Vẫn chỉ là những truyền thuyết, những câu chuyện cửa miệng, chưa được một ai kiểm chứng kể cả gọi là người trong cuộc...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét